Vận tải Container là một trong những phương thức vận chuyển hàng hóa phổ biến nhất hiện nay. Vậy Vận tải Container cụ thể là gì? Qua bài viết dưới đây WIKI XUẤT NHẬP KHẨU xin đem đến cho bạn những thông tin chi tiết nhất, mời bạn theo dõi.
1. Vận tải Container là gì?
Đầu tiên, chúng ta cần nắm được Container là gì? Container được hiểu đơn giản là một thiết bị, một dụng cụ dùng để vận tải hàng hóa, có những đặc điểm như cố định, bền chắc, được sử dụng nhiều lần. Container có cấu tạo đặc biệt, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đường dài. Một ưu điểm lớn của Container đó là không cần phải chuyển đổi hàng hóa sang xe khác giữa đường mà giữ kiện chuyển thẳng tới bến nhận.
Vậy vận tải Container được hiểu là hoạt động chuyên chở hàng hóa bẳng container tới các điểm nhận hàng theo yêu cầu giao nhận. Những hàng hóa được vận tải Container thường có kích lớn, hoặc kích thước nhỏ nhưng với số lượng rất lớn.
2. Lợi ích và hạn chế trong vận tải Container
Đầu tiên chúng ta đến với lợi ích của vận tải Container:
Đây là hình thức vận tải phổ biến hiện nay, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận tải quốc tế:
- Với khách hàng:
Vận tải bằng Container đem lại cho khách hàng lợi ích từ việc giảm chi phí bao bì và thời gian kiểm hàng.
Những kiện hàng được vận tải bằng Container luôn được bảo vệ khá tốt, tránh tình trạng bị mất cắp, hư hỏng, hoặc bị nhiễm bẩn.
Giảm chi phí điều hành lưu thông và đơn giản hóa các thủ tục trong quá trình vận chuyển nội địa
Container có sức chứa lớn, giúp vận chuyển được nhiều hàng hóa trong một lần chuyên chở. Nhờ đó đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn, thúc đẩy quá trình sản xuất.
- Với đơn vị chuyên chở:
Cũng như đối với khách hàng, vận tải Container cũng giúp đơn vị vận chuyển giảm thiểu tình trạng thất lạc, mất, hỏng hàng hóa.
Mỗi một khách hàng sẽ được vận chuyển hàng hóa bằng những Container riêng biệt, từ đó cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý và kiểm soát các Container.
Khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải Container thường là những doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh. Họ thường có nhu cầu vận tải cố định và lâu dài. Vì vậy đây là một nguồn khách hàng tiềm năng, ổn định và trung thành với các công ty vận tải hàng hóa.
Bên cạnh những lợi ích vô cùng tuyệt vời này thì vận tải Container cũng có những hạn chế nhất định
Vận tải Container đối với hàng xuất nhập khẩu phải tiêu tốn kha khá chi phí bảo dưỡng, khối lượng vỏ tương đối lớn, loại vỏ nhôm dễ bị va đập dẫn tới trầy xước, móp méo.
Ngoài ra nếu như số hàng quá tải với kích thước lớn không thể chở bằng Container mà buộc phải sử dụng phương tiện khác thì sẽ tiêu tốn nhiều chi phí vận chuyển hơn.
»»»» REVIEW Khóa Học Xuất Nhập Khẩu Online/ Offline Tốt Nhất
3. Các loại Container trong vận tải quốc tế
Phân loại Container được dựa trên nhiều tiêu chí:
Các loại Container theo kích thước:
- Container nhỏ: Thường có trọng lượng dưới 5 tấn và dung tích dưới 3m3
- Container trung bình: Loại này trọng lượng khoảng từ 5 – 8 tấn và dung tích nhỏ hơn 10m3
- Container loại lớn: Có trọng lượng trên 10 tấn và dung tích hơn 10m3
- Container 20 feet, 40 feet và 45 feet
»»» Kích Thước Container (20 feet, 40 feet, 45 feet…)
Các loại Container theo vật liệu được đóng:
Cách phân loại này có tên gọi khá đơn giản, dễ hiểu, nếu Container đó được đóng bằng vật liệu nào thì dùng tên vật liệu đó để gọi cho Container đó, ví dụ như: Container thép, Container nhôm, Container gỗ dán, Container nhựa tổng hợp,…
Các loại Container theo cấu trúc:
- Container kín
- Container mở
- Container khung
- Container gấp
- Container phẳng
- Container có bánh lăn
Các loại Container theo công dụng
- Container chuyên chở hàng bách hóa: nó còn có tên gọi khác là Container khô, vì được dùng để chở các loại hàng khô. Bao gồm các Container kín có cửa ở 1 đầu và các bên, Cont có lỗ thông hơi,…
- Container chuyên chở hàng rời: Nó được dùng để chở hàng rời như các loại hạt nhỏ, ngũ cốc,… nhà vận chuyển được phép xếp hàng bằng cách rót từ trên xuống thông qua các cửa ở nóc Cont. Nó giúp cho nhà vận chuyển tiết kiệm sức lao động khi phải xếp và dỡ hàng ra, tuy nhiên cũng gây bất lợi cho việc giữ gìn an toàn và kín nước cho Container.
- Container chuyên dụng: Loại này thì thiết kế để chở ô tô, hay súc vật,… Vì dùng để chở súc vật cho nên nhược điểm của nó là khó làm sạch giữa các loại hàng hóa, hoặc khi làm thì tiêu tốn nhiều thời gian. Ngoài ra đối với nhiều quốc gia, vấn đề kiểm dịch khi các Cont rỗng dùng để chở súc vật sống quay trở lại dùng để bốc các loại hàng hóa khác cũng là vấn đề quan trọng.
- Container bảo ôn/nóng/lạnh: Như tên gọi của nó, loại Cont này dùng để chở các mặt hàng có yêu cầu bảo quản về nhiệt độ, vì vậy lớp vỏ Cont sẽ được thiết kế cách nhiệt.
- Container thùng chứa: dùng để chở các loại hàng hóa nguy hiểm và hàng đóng rời (dầu hỏa, hóa chất,…). Loại này có khá nhiều nhược điểm như chi phí sử dụng, duy trì bảo dưỡng khá cao, yêu cầu quá trình làm sạch kỹ lưỡng sau khi sử dụng, trong quá trình vận chuyển bị hao hụt quá bị bay hơi, hoặc rò rỉ,…
- Container để làm văn phòng: Có lẽ đây là loại đặc biệt nhất vì nó được tái chế, cải tiến, sáng tạo thành một văn phòng làm việc gọn gàng và tiện dụng.
4. Các phương thức vận tải Container
Vận tải Container là hình thức vận tải rất phổ biến hiện nay, nó đã được áp dụng vào vận chuyển hàng hóa nội địa và xuất khẩu. Các loại vận tải Container trong vận tải quốc tế được phân ra thành 4 loại sau:
- Vận tải Container bằng đường biển qua tàu thuyền
- Vận tải Container bằng đường bộ qua các đầu máy kéo
- Vận tải Container bằng đường hàng không
- Vận tải Container bằng đường sắt
»»»» Lưu ý khi đóng hàng xuất khẩu vào container
5. Các tuyến vận tải Container chính trên thế giới
Hiện nay, các hãng, công ty vận chuyển thường khai thác 3 loại tuyến vận tải chính dưới đây:
- Tuyến cảng đến cảng (end-to-end): Đây là tuyến vận tải Container truyền thống hoạt động qua lại giữa hai bên vận chuyển ở mỗi đầu của khu vực, nói đơn giản chính là chở hàng từ cảng khu vực này sang cảng khu vực khác và ngược lại.
- Tuyến quả lắc (pendulum): Chúng ta hình dung con đường vận chuyển của hàng hóa được di chuyển tới lui giữa ba lục địa, và với 1 trong 3 lục địa đó giữ vai trò như tâm quả lắc. Và các điểm tại một trong hai đầu cuối của quả lắc chỉ được nối với nhau qua tâm quả lắc.
- Tuyến vòng quanh thế giới (round-the-world liner service): Nó có một cách gọi khác là tuyến toàn cầu. Thật ra tuyến này là sự kết nối của nhiều tuyến đầu nọ- đầu kia thành một tuyến hoàn chỉnh vòng quanh trái đất, nối liền ba luồng hành chính: xuyên Thái Bình Dương, xuyên Đại Tây Dương, và Đông Á/ Châu u.
6. Các loại phí và phụ phí trong vận tải Container
Trong vận chuyển Container ngoài các giá cước vận chuyển thì chúng ta còn phải mất những loại phụ phí khác khi thị trường có những biến động về giá xăng, tiền cước mất giá hay như phụ phí làm hàng, nâng hạ Cont. Và việc thanh toán các khoản phí này sẽ dựa trên sự thỏa thuận mua bán giữa hai bên.
Các loại phụ phí phổ biến trong vận tải Container
- BAF (Bunker Adjustment Factor): Đây là loại phụ phí mà chủ tàu sẽ thu từ chủ hàng để bù đắp vào chi phí phát sinh khi thị trường có những biến động về giá nguyên liệu, nhiên liệu (xăng, dầu )
- CAF (Currency Adjustment Factor): Đây là loại phụ phí mà chủ tàu sẽ thu từ chủ hàng để bù đắp vào chi phí phát sinh khi thị trường có những biến động về tỷ giá ngoại tệ.
- COD (Change of Destination): Khi chủ hàng thay đổi đích đến so với dự kiến ban đầu thì chủ tàu sẽ thu một khoản phụ phí để bù đắp chi phí mất mát đó.
- DDC (Destination Delivery Charge): Khi dỡ hàng khỏi tàu, và sắp xếp Cont tại cảng cũng sẽ mất một khoản nhất định. Chủ tàu sẽ thu khoản phụ phí này từ chủ hàng để bù đắp, và sẽ thu phí ra vào cổng cảng.
- PCS (Panama Canal Surcharge): Phụ phí này chỉ đóng khi hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Panama.
- PCS (Port Congestion Surcharge): Phụ phí này chỉ đóng trong trường hợp cảng xếp dỡ bị ùn tắc và làm ảnh hưởng đến tiến độ vận chuyển hàng của tàu.
- PSS (Peak Season Surcharge): Phụ phí này thường được áp dụng từ tháng 8 đến tháng 10, do nhu cầu tăng mạnh cho mùa giáng sinh. Đây là phụ phí mùa cao điểm.
- SCS (Suez Canal Surcharge): Phụ phí này chỉ đóng khi hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez.
- Phí handling (handling fee): Là loại phụ phí do hãng tàu và các công ty logistics đặt ra để thu nhằm thực hiện các thủ tục pháp lý khi nhập hoặc xuất hàng hóa.
7. Cách tính giá cước vận tải Container
Muốn biết giá cước vận tải Container, các đơn vị vận tải thường xét dựa trên các tiêu chí sau:
- Thứ nhất là, phương thức vận tải Container mà chủ hàng lựa chọn: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường hàng không
- Thứ hai là, loại và kích cỡ của Container đó: Container nhỏ hay lớn, khô hay lạnh, chuyên dụng hay không chuyên dụng.
- Thứ ba là, khoảng cách giao hàng xa hay gần: nội địa hay nước ngoài, trong thành phố hay ngoại tỉnh?
- Thứ tư là, trọng lượng hàng hóa được đóng trong Container đó.
- Cuối cùng là, các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Thông thường cước vận tải Container được chia làm 3 loại:
- Cước vận chuyển tính riêng theo mặt hàng: Đây là mức cước được áp dụng cho từng mặt hàng riêng biệt, bên vận chuyển sẽ dựa vào khả năng sử dụng trung bình của Cont mà tính toán để ấn định giá cước cho bên cần vận chuyển.
- Cước vận chuyển tính chung cho tất cả các mặt hàng: Cách tính này khá đơn giản, tất cả các loại hàng hóa chỉ phải trả một mức cước cho một chuyến Cont. Nhà vận chuyển sẽ dựa vào tổng chi phí dự tính của chuyến đi chia cho số Cont dự tính vận chuyển.
- Cước phí hàng lẻ: Cước này sẽ được tính dựa trên trọng lượng, thể tích hoặc giá trị của loại hàng hóa đó rồi ấn định mức cước.
8. Danh sách công ty vận tải Container
Dưới đây là danh sách 15 công ty vận tải Container uy tín tại Việt Nam:
- CTCP thương mại vận tải Á Đông
- Công ty TNHH TM DV vận tải Hoa Lâm
- Công ty TNHH giao nhận vận tải quốc tế Dương Minh
- Công ty Cổ Phần Proship
- CTCP Vận tải và Đầu tư Việt Hưng
- Công ty Vận tải hàng hóa Trọng Tấn
- Hưng Thịnh Phát Logistics
- CTCP Saigonship Đà Nẵng
- Tân Thanh Container
- Công ty TNHH thương mại và dịch vụ quốc tế VIJAI
- CTCP Vận tải biển Việt nam VOSCO
- Vận tải Huệ Duy
- Dịch vụ vận chuyển Ratraco Solutions
- Dịch vụ Vận tải Đức Vân
- Công ty Vận tải Thế Anh
Trên đây là tất cả thông tin về “Vận tải Container” WIKI XUẤT NHẬP KHẨU đem đến các bạn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, hy vọng bài viết này có ích cho học tập và công việc của bạn.
Xem thêm:
- Switch Bill Là Gì? Những Nghiệp Vụ Switch Bill Cần Biết
- Vận Đơn Theo Lệnh Là Gì? Chức Năng Của Vận Đơn Theo Lệnh
- Quy Trình Thủ Tục Hải Quan Xuất Khẩu – Nhập Khẩu Chi Tiết
- Vận Tải Hàng Không Là Gì? Ưu Nhược Điểm Của Vận Tải Hàng Không
- CE Là Gì? Những Thông Tin Cần Biết Về Chứng Nhận CE